Các giải pháp thi công trên nền đất yếu trong xây dựng

 05/06/2020  Đăng bởi: Mr.Thiện

Trong thực tế xây dựng, có rất nhiều công trình bị lún, sập khi xây dựng trên nền đất yếu do không có những biện pháp xử lý hiệu quả, không đánh giá chính xác được các tính chất cơ lý của nền đất để làm cơ sở và đề ra các giải pháp xử lý nền móng phù hợp.

Để đưa ra những giải pháp móng vừa đảm bảo tính bền vững của công trình vừa đảm bảo tính hiệu quả về kinh tế thì không phải nhà thầu nào hay gia chủ nào cũng làm được. Đây là một vấn đề khó khăn, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức khoa học và kinh nghiệm thực tế để giải quyết, giảm thiểu tối đa các sự cố, hư hỏng của công trình.

Hôm nay, Việt Home sẽ tư vấn và chia sẻ một số giải pháp thi công công trình trên nền đất yếu.

1. Các biện pháp xử lý về kết cấu công trình

- Dùng vật liệu nhẹ và kết cấu nhẹ, thanh mảnh, nhưng phải đảm bảo khả năng chịu lực của công trình nhằm mục đích làm giảm trọng lượng bản thân công trình, tức là giảm được tĩnh tải tác dụng lên móng.

- Làm tăng sự linh hoạt của kết cấu công trình kể cả móng bằng cách dùng kết cấu tĩnh định hoặc phân cắt các bộ phận của công trình bằng các khe lún để khử được ứng suất phụ phát sinh trong kết cấu khi xảy ra lún lệch hoặc lún không đều.

- Làm tăng khả năng chịu lực cho kết cấu công trình để đủ sức chịu các ứng lực sinh ra do lún lệch và lún không đều bằng các đai bê tông cốt thép, đồng thời có thể gia cố tại các vị trí dự đoán xuất hiện ứng suất cục bộ lớn.

 

2. Các biện pháp xử lý về móng

- Thay đổi chiều sâu chôn móng nhằm giải quyết sự lún và khả năng chịu tải của nền; Khi tăng chiều sâu chôn móng sẽ làm tăng trị số sức chịu tải của nền đồng thời làm giảm ứng suất gây lún cho móng nên giảm được độ lún của móng; Đồng thời tăng độ sâu chôn móng, có thể đặt móng xuống các tầng đất phía dưới chặt hơn, ổn định hơn. Tuy nhiên việc tăng chiều sâu chôn móng phải cân nhắc giữa 2 yếu tố kinh tế và kỹ thuật.

- Thay đổi kích thước và hình dáng móng sẽ có tác dụng thay đổi trực tiếp áp lực tác dụng lên mặt nền, và do đó cũng cải thiện được điều kiện chịu tải cũng như điều kiện biến dạng của nền. Khi tăng diện tích đáy móng thường làm giảm được áp lực tác dụng lên mặt nền và làm giảm độ lún của công trình. Tuy nhiên đất có tính nén lún tăng dần theo chiều sâu thì biện pháp này không hoàn toàn phù hợp.

- Thay đổi loại móng và độ cứng của móng cho phù hợp với điều kiện địa chất công trình: Có thể thay móng đơn bằng móng băng, móng băng giao thoa, móng bè hoặc móng hộp; trường hợp sử dụng móng băng mà biến dạng vẫn lớn thì cần tăng thêm khả năng chịu lực cho móng; Độ cứng của móng bản, móng băng càng lớn thì biến dạng bé và độ lún sẽ bé. Có thể sử dụng biện pháp tăng chiều dày móng, tăng cốt thép dọc chịu lực, tăng độ cứng kết cấu bên trên, bố trí các sườn tăng cường khi móng bản có kích thước lớn.

3. Một số phương pháp xử lý nền đất yếu

3.1. Phương pháp gia cố nền bằng cọc tre, cừ tràm

Cọc tre được sử dụng để gia cố nền đất cho những công trình có tải trọng truyền xuống không lớn hoặc để gia cố cừ kè vách hố đào. Đóng cọc tre là để nâng cao độ chặt của đất, giảm hệ số rỗng dẫn đến nâng cao sức chịu tải của đất nền.

Gia cố nền bằng cọc tre

Cọc tre được sử dụng ở những vùng đất luôn luôn ẩm ướt, ngập nước. Nếu cọc tre làm việc trong đất luôn ẩm ướt thì tuổi thọ sẽ khá cao (50-60 năm và lâu hơn). Nếu cọc tre làm việc trong vùng đất khô hoặc ướt thất thường thì cọc rất nhanh bị mục nát.

Chỉ được đóng cọc tre trong đất ngập nước để tre không bị mục nát, nếu đóng trong đất khô không nước sau đó tre bị mục nát thì lại phản tác dụng làm nền đất yếu đi.

Không đóng cọc tre trong đất cát vì đất cát không giữ được nước, thường chỉ đóng cọc tre trong nền đất sét có nước.

Khoảng cách đóng cọc tre bao nhiêu là đủ? Thông thường người ta đóng 16-25 cọc/m2 khoảng cách cọc 20-25 cm.

3.2. Phương pháp móng cọc bê tông cốt thép.

Móng cọc bê tông rất hữu hiệu với công trình hiện đại thường dùng cho công trình gia cố nền móng từ công trình thấp tầng đến công trình cao tầng. Thi công móng cọc nhanh thời gian thi công 2-3 hôm xong cho các công trình thấp tầng. Các công trình cao tầng đều dùng móng cọc bê tông cốt thép làm móng.

3.3. Phương án móng bè

Móng bè hay còn được gọi là móng toàn diện. Đây là một loại móng nông, được sử dụng chủ yếu ở những nền đất yếu, sức kháng nền yếu dù không hay có nước hoặc do yêu cầu kết cấu công trình bên dướu là tầng hầm, kho hoặc bể vệ sinh, bồn chứa hay hồ bơi. Loại móng này thường được sử dụng ở những ngôi nhà cao tầng có kết cấu chịu lực cao.

Đây là loại móng an toàn, được áp dụng nhiều bởi nó là một phương pháp an toàn và có hiệu quả cao trong việc phân bố đều trọng lượng, tránh hiện tượng sụt lún. Nên kết hợp gia cố nền đất bằng cọc từ tram hay cọc tre để đảm bảo nền đất được ổn định trước.

Móng bè  bao gồm một lớp bê tông lót mỏng, bản móng trải rộng dưới toàn bộ công trình, dầm móng. Một móng bè cơ bản phải có đầy đủ các yếu tố sau đâu theo tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành xây dựng:

- Lớp bê tông lót sàn.

- Bản móng bê tông cốt thép

- Dầm móng bê tông cốt thép

3.4. Móng băng

Chức năng cơ bản của móng băng là giảm áp lực đáy móng và đảm bảo truyền tải trọng lực công trình xuống đều cho các cọc bê tông bên dưới hoặc cọc cừ tràm. Đối với những công trình nhà xây dựng có tầng hầm thì móng băng còn có tác dụng chắn đất, tạo tường hầm, hầm giữ xe hoặc nhà kho. Hiểu đơn giản thì móng băng giúp chịu 1 phần lực mà các loại cọc đã đóng trước đó giúp tăng cường độ bền và sức chịu lực cho công trình.

Móng băng có cấu tạo theo phương thì được chia thành 2 loại là:

- Móng băng 1 phương: Là chỉ có 1 phương duy nhất theo chiều ngang hoặc chiều rộng của công trình giống như những đường thằng song song nhau. Khoảng cách giữa các đường tùy vào diện tích của ngôi nhà.

- Móng băng 2 phương: gồm những đường móng có giao nhau như ô cờ trong bàn cờ.

 

Về cấu tạo theo độ cứng thì móng băng chia thành 3 loại là:

- Móng băng cứng

- Móng băng mềm

- Móng băng kết hợp

Độ cứng ở đây là tùy thuộc vào vật liệu như thép, bê tông hay các loại cọc đóng phía dưới móng như cọc cừ tràm, cọc bạch đàn…

Nền đất yếu có nhiều tác hại và nguy cơ gây mất an toàn cho các công trình xây dựng. Việc đưa ra một số các biện pháp xử lý nền đất yếu mới góp phần làm phong phú các phương pháp xử lý nền móng trong công tác xây dựng ở nhiều vùng địa hình có địa chất yếu từ đó có cơ sở để lựa chọn những biện pháp tối ưu để áp dụng cho các công trình.

Viết bình luận của bạn: