Cách xử lý đơn giản nhất khi sàn nhà tắm bị đọng nước

 03/07/2023  Đăng bởi: Mr.Thiện

Đời sống con người ngày càng được nâng cao thì người ta càng quan tâm đến việc xây dựng nhà tắm sao cho đảm bảo sự tiện lợi, tính thẩm mỹ trong ngôi nhà của mình. Do đó, nhà tắm cần được thiết kế kỹ lưỡng ngay từ những bước đầu để tránh phát sinh những vấn đề sau này. Đặc biệt là tình trạng nhà tắm bị đọng nước khiến cho việc sinh hoạt của các thành viên trong gia đình gặp nhiều khó khăn. Vậy đâu là nguyên nhân và cách khắc phục như thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm ra cách xử lý đơn giản và hiệu quả nhất.

1. Nguyên nhân nền nhà tắm bị tình trạng đọng nước

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sàn nhà tắm bị đọng nước là do sàn không bằng phẳng, bị trũng và dốc thoát nước không đảm bảo độ nghiêng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, khi sàn thoát nước chậm cũng gây đọng nước trên bề mặt sàn hoặc cũng có thể do vật liệu lát sàn không đạt, lâu khô, không bằng phẳng.

Có thế, do thợ đánh mốc độ cao sai hoặc độ dốc quá ít khiến nước không chảy theo đúng hướng thoát về hố ga. Độ dốc thoát nước thông thường cho sàn nhà vệ sinh là 2-3% tùy địa hình cũng như công năng của ngôi nhà.

Nguyên nhân tiếp theo là do cán nền quá dày và khi sàn vữa cán chưa khô đã dán gạch lên nhanh để hoàn thiện khiến cho độ co ngót của sàn vữa không đồng đều, gây ra hiện tượng võng ở một vài vị trí khiến cho nước không thoát được.

Bên cạnh đó, nền nhà tắm có thể biến đổi sau thời gian dài sử dụng. Đối với nhà tắm của nhà cấp 4 hay có vị trí ở tầng trệt nhà cao tầng phần sàn nhà tắm sẽ đặt được trực tiếp trên nền đất nhưng đây không phải là kết cấu cố định 100%. Qua nhiều thời gian sẽ có sự biến đổi địa chất thì tình trạng nền đất thay đổi sẽ dẫn đến việc sàn nhà tắm không được như ban đầu, ở những khu vực bị lún xuống sẽ bị nước đọng lại. 

2. Các cách xử lý khi nhà tắm bị đọng nước

Điều chỉnh độ dốc sàn

Để khắc phục và xử lý tình trạng như gia đình bạn gặp phải thì trước hết cần kiểm tra toàn bộ bề mặt sàn nhà vệ sinh để quan sát xem có vị trí nào bị trũng đọng nước, sau đó đánh dấu lại các viên gạch này. Bước tiếp theo, cậy bỏ những viên gạch tại vị trí đã đánh dấu (gạch có thể bị vỡ hay bị nứt do quá trình cậy lên), sau đó dùng xi măng để thêm vào phần sàn vữa cũ, sao cho lúc đặt cây thước thẳng qua các vị trí viên gạch không nhìn thấy kẽ hở nào.

Thiết kế rãnh sàn và ống thoát nước lớn

Để khả năng thoát nước được nhanh nhất, hạn chế tình trạng nhà tắm bị đọng nước trên sàn thì có thể thiết kế những rãnh thoát nước hình chữ nhật ở vị trí linh hoạt trong nhà tắm. Những rãnh thoát dài bao xung quanh phòng hoặc có thể ở nhiều vị trí khác nhau sẽ giúp thoát nước linh hoạt mà không cần bắt buộc phải dồn về cống nhỏ ở một góc duy nhất trong phòng.

Bạn cũng có thể chọn mua ống thoát nước lớn hơn so với nhu cầu sử dụng để phòng trường hợp khi nhu cầu sử dụng nhà tắm nhiều hơn thường ngày. 

Bố trí không gian khô ướt phù hợp

Nếu nhà tắm được phân chia không gian khô ướt rõ ràng thì nước ít bị ra khắp nhà tắm. Khi đó việc bố trí thoát nước cũng dễ dàng và tập trung hơn. Đồng thời, cũng có thể chia không gian riêng theo kiểu hệ thống vòi hoa sen, bồn tắm, vòi rửa ngăn với bồn rửa tay, bồn cầu bằng vách kính. Điều này đảm bảo sàn nhà vệ sinh và bồn rửa tay là khu vực khô luôn được khô ráo sạch sẽ. 

Ngoài ra, việc thiết kế nhà tắm nằm ở vị trí nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên nhất, có hệ thống thông gió tốt sẽ khô thoáng và sạch sẽ hơn rất nhiều. Giải pháp tốt nhất là bố trí thêm các ô thông gió, cửa sổ,... cho nhà tắm.

Bài viết trên hy vọng sẽ phần nào giúp sàn nhà tắm của bạn thoát khỏi tình trạng bị đọng nước mỗi khi sử dụng xong.

Viết bình luận của bạn: