Giải pháp chống nóng cho nhà hướng Tây luôn mát mẻ.

 18/05/2021  Đăng bởi: Mr.Thiện

Giải pháp chống nóng cho nhà hướng Tây luôn tươi mát. Hướng Tây là hướng có nhiều bất lợi trong xây dựng. Vào những ngày hè, những căn nhà hướng Tây đều phải hứng chịu những cái nắng gay gắt; gây cảm giác khó chịu và ảnh hướng đến sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, bằng những giải pháp xây dựng, các chuyên gia sẽ có những cách khắc phục giúp căn nhà của bạn sẽ dịu mát hơn. Cùng tham khảo những cách chống nóng tường nhà hướng Tây hiệu quả dưới đây nhé.

1. Bố trí không gian hợp lý

Những căn nhà hướng Tây nhận nguồn sáng chính từ bên trên hoặc phía sau. Chính vì vậy mà không gian thông tầng; hoặc một giếng trời ở giữa nhà là giải pháp thường hay được áp dụng. Những không gian đằng sau mặt đứng chính không nên bố trí các chức năng chính như phòng ngủ, phòng khách; mà nên tận dụng để làm hành lang, cầu thang để có một lớp đệm cách nhiệt cho các không gian chính. Ngoài ra, không gian bố trí trong ngôi nhà nên tự do; hạn chế phòng vách để ánh sáng được xuyên suốt ngôi nhà.

Đồng thời, bạn nên dành một phần diện tích cho những không gian xanh bên ngoài nhà ở. Đây cũng là cách rất hữu hiệu để đảm bảo khí hậu cho nhà ở luôn cân bằng ở mức dễ chịu. Một số trường hợp thiết kế nhà sử dụng tất cả diện tích đất để xây dựng, khiến cho nhà ở thêm nóng bức; đặc biệt là nhà ở hướng Tây.

2. Lớp mặt đứng cách nhiệt

Do mặt đứng chính của ngôi nhà là mặt bất lợi về mặt khí hậu, phải nhận lượng nhiệt lớn từ mặt trời. Cho nên, các giải pháp mặt đứng cho nhà hướng Tây thường được thiết kế sao cho ánh nắng không trực tiếp chiếu vào nhà; hoặc không nhận hoàn toàn ánh sáng.

Thường thì ta sẽ thấy những hệ lam dày được sử dụng cho mặt đứng trong thiết kế ngôi nhà hướng Tây. Nếu được thiết kế tốt; thì mặt đứng này sẽ biến điểm bất lợi thành nét đặc trưng, làm đẹp cho ngôi nhà của gia chủ.

3. Sử dụng vật liệu cách nhiệt

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại vật liệu cách nhiệt chống nóng hiệu quả như:

- Sơn cách nhiệt chống nóng. Trong sơn có chứa các cầu rỗng thủy tinh nên sẽ ngăn ngừa việc truyền nhiệt.

- Tấm xốp cách nhiệt xps: dùng để lót hay ốp tường có công dụng cách âm cách nhiệt tốt.

- Xây tường hai lớp: bao gồm lớp tường trong và ngoài, mỗi lớp có độ dày chừng 110mm – 220mm. Giữa chúng có một khoảng không dày cỡ 100mm. Khoảng không giúp không khí lưu thông, làm chậm quá trình truyền nhiệt. Khi tường ngoài bị nung nóng thì lớp tường trong sờ vào vẫn mát tay. Từ đó giúp không gian bên trong trở nên mát mẻ hơn.

- Nhựa UPVC: cũng là vật lệu được sử dụng nhiều nhằm giảm thiểu bức xạ nhiệt bên ngoài. Với ưu điểm nổi trội về cách âm, cách nhiệt vật liệu này được sử dụng thay thế cửa sổ, cửa đi, vách ngăn bằng gỗ, nhôm tại các khu vực trực tiếp hứng chịu ánh sáng trong ngôi nhà.

- Bông thủy tinh cách nhiệt: được làm từ sợi thủy tinh tổng hợp chế xuất từ đá, xỉ, đất sét. Chúng có tính năng cách nhiệt, cách âm, cách điện cao, không cháy, mềm mại và có tính đàn hồi tốt.

Ngoài ra, còn rất nhiều những loại vật liệu cách nhiệt khác; các bạn có thể tham khảo thêm tại các cửa hàng bán vật liệu xây dựng hoặc kiến trúc sư tư vấn.

4. Đưa cây xanh vào không gian sống

Đưa cây xanh vào không gian kiến trúc là một giải pháp nhằm cải thiện khí hậu trong nhà. Đồng thời cây xanh còn làm con người gần gũi với thiên nhiên hơn. Tăng diện tích che bóng mát bởi cây xanh bằng nhiều phương pháp như: làm dàn hoa; trồng cây leo bám tường; trồng cây tán rộng để che chắn bớt lượng nắng chiếu vào nhà.

Ở những căn nhà hướng Tây, cây xanh thường được bố trí sau lớp mặt đứng cách nhiệt hoặc ngay tại vị trí thông tầng, giếng trời.

Trên đây là những gợi ý sẽ giúp ngôi nhà hướng Tây của bạn trở lên mát mẻ hơn vào mùa hè. Hãy cân nhắc và áp dụng một cách khoa học để mùa hè bớt đi sự khắc nghiệt nhé!

Viết bình luận của bạn: